Lương y – chuyện ít ai biết: Bí mật ở phòng khám nam khoa

Khi ‘của quý’ của đàn ông trục trặc, khi chất lượng sinh hoạt tình dục ‘có vấn đề’, lúc đó bác sĩ nam khoa trở thành ‘cứu tinh’.

Tỷ lệ nam giới mắc bệnh lý nam khoa ngày càng phổ biến. Song với đàn ông, đây là chuyện cực kỳ tế nhị, nhạy cảm. “Phe quý bà” xem việc khám phụ khoa là bước theo dõi, chăm sóc sức khỏe bắt buộc định kỳ rất bình thường. Ngược lại, “phe quý ông” đa số “chôn giấu niềm đau”, tự vỗ về “có những niềm riêng làm sao ai biết”. Nhưng có người biết: bác sĩ nam khoa.

Chuyện bi hài

Mùng 6 tết, tôi “xông đất” phòng khám nam khoa của Th.S-BS Trà Anh Duy, chuyên gia sức khỏe nam giới của Bệnh viện (BV) Bình Dân (TP.HCM). “Mới đầu năm, đã có mấy người đem “của quý” đến trao cho mình rồi”, vị bác sĩ nam khoa còn rất trẻ hóm hỉnh nói.

Theo BS Duy, có 1.001 chuyện bi hài khi bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong đó khá nhiều ca rất “khó đỡ” chỉ vì thiếu hiểu biết nhưng dư táo bạo. Chẳng hạn nhét đèn cầy nhỏ, chiếc đũa, dây điện, sợi cói chiếu vào… đường tiểu. Thậm chí, có người “nuôi” dị vật trong đường tiểu 11 năm.

Lương y - chuyện ít ai biết: Bí mật ở phòng khám nam khoa - ảnh 1

Đó là trường hợp anh H. (25 tuổi, Đồng Nai). Anh H. cho hay lúc 14 tuổi “tự sướng” bằng cách nhét cước câu cá vào dương vật. Xui là sợi cước chui sâu vào bên trong niệu đạo, mắc kẹt luôn trong đó đến nay. Mỗi lần tiểu gắt buốt, đau… nhưng vì ngại nên anh âm thầm chịu đựng.

Có bệnh nhân gặp BS Duy than thở: “Bác ơi, cậu nhỏ của em cương mãi không chịu xìu, đau quá không chịu nổi”. Đây là tai họa do tự tiêm thuốc trị rối loạn cương. Anh K. (38 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM) được bạn giới thiệu thuốc tiêm trực tiếp vào “cậu nhỏ”.

Sau vài lần cho kết quả khá mỹ mãn, anh thừa thế xông lên. Tuy nhiên, lần này cậu nhỏ “giương súng” quá lâu không xìu xuống, ngày càng đau đớn. Được xử trí cấp cứu tích cực bằng thuốc giãn mạch, các biện pháp vật lý và trích máu kèm bơm rửa, “cậu nhỏ” của anh K. đã chịu xìu, bớt đau đớn.

“Tuy vậy, anh K. chắc chắn phải tiếp tục theo dõi và điều trị. Tiên đoán khả năng cương sẽ còn tiếp tục giảm sút. Đây là một câu chuyện cảnh báo cho cánh mày râu về mối nguy hiểm tiềm tàng của các phương pháp điều trị xâm hại trên cậu nhỏ”, BS Duy nói.

Lương y - chuyện ít ai biết: Bí mật ở phòng khám nam khoa - ảnh 2

Theo các bác sĩ nam khoa, tiêm thuốc vào thể hang là lựa chọn hàng thứ hai cho các trường hợp rối loạn cương dương không đáp ứng với thuốc uống. Đây là phương pháp xâm hại, tiềm ẩn nguy cơ cương đau kéo dài, từ đó chức năng cương kém phục hồi.

Một bác sĩ khoa Nam học một bệnh viện, nhớ mãi những lần bệnh nhân khóc. Một bệnh nhân òa khóc vì nhận kết luận vô sinh do tinh hoàn giảm sinh tinh. Sau khi phẫu thuật, điều trị 8 tháng, bệnh nhân khóc lần nữa vì còn cơ hội được làm cha.

Trường hợp gay cấn hơn là bé trai 4 tuổi. Người cha nước mắt đầm đìa vì năm kết quả siêu âm đều cho biết người con bướu tinh hoàn hai bên chiếm 2/3 thể tích. Các nơi khác đưa ra phương án cắt tinh hoàn, nhưng nếu áp dụng thì đứa bé mất hết tương lai (không còn khả năng sản xuất testosterone, không thể dậy thì cũng như phát triển các đặc tính cơ quan sinh dục nam, không có con).

“Quyết định hội chẩn toàn viện, chúng tôi tiến hành phương pháp cắt bướu tinh hoàn bảo tồn chủ mô tinh hoàn. Theo dõi ba năm, diễn tiến thuận lợi, không thấy bướu tái phát”, vị bác sĩ chia sẻ rồi nói thêm: “Dù là phái mạnh nhưng khi “súng đạn” trục trặc nghiêm trọng, không ít bệnh nhân nam, vợ của họ hoặc người thân đã rơi lệ”.

Vợ “khám thay” chồng

Là phòng khám nam khoa nhưng thường xuyên tiếp các chị đi khám… thay cho chồng. Tình huống này thường xảy ra khi các ông chồng chăm “cày sâu cuốc bẫm”, khỏe như lực điền, nhưng vẫn không có con rồi đổ lỗi cho vợ.
“Tinh trùng nam giới có dấu hiệu bất thường ngày càng nhiều, khiến tỷ lệ vô sinh nam giới có khuynh hướng tăng ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều anh vẫn cho rằng không có con là do phụ nữ và rất ngại đi khám”, BS Võ Duy Tâm lý giải.

Trường hợp điển hình là anh V. (32 tuổi) và chị V.T.T.M (29 tuổi, ngụ P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Vợ chồng họ muốn sinh thêm con nhưng “lâm trận” thường xuyên gần hai năm vẫn chưa có tin vui. Anh V. khăng khăng vợ “bất thường” nên không thể dính bầu. Trong khi, chị M. đi khám phụ khoa, làm hết những xét nghiệm cần thiết không có gì bất thường.

Đủ bằng chứng mình “vô tội”, chị M. cố thuyết phục anh V. đi khám song lần nào anh cũng xua tay. Giải pháp của những người vợ như chị M. là gặp bác sĩ nam khoa nhờ chỉ cách “dụ” chồng đi khám. Đường cùng, nêu triệu chứng của chồng với BS rồi lấy thuốc cho chồng. “Có phụ nữ đến phòng khám nam khoa dốc bầu tâm sự sao ổng “nhanh quá”, không mấy “nhiệt” như ngày nào… Chị ưu phiền nhiều nhưng không dám nói thẳng, sợ ảnh ngại. Gối chăn lạnh tanh, tình cảm phai dần, gia đình lục đục. Ổng kêu tại chị không biết cách làm ổng “khỏe” chứ không phải do ổng. Vậy nên phải nhờ bác sĩ nam khoa bày mưu, tính kế”, BS Tâm bật mí.

Một bác sĩ chia sẻ câu chuyện tương tự. Đó là cặp vợ chồng chậm con cả chục năm. Cô vợ đi khám và điều trị khắp nơi, ở đâu cũng báo kết quả tốt. Chị nói chồng đi kiểm tra thử, chồng không chịu, khăng khăng: “Tôi khỏe thế này mà bị cái gì, có bị là do cô bị thôi”. Đến lúc anh ta thử được cái tinh dịch đồ thì bàng hoàng nhận ra mình chỉ có dịch nhưng không có… tinh. “Nhiều trường hợp đã quá muộn để điều trị. Lúc này mới thấy lòng tự tôn biến thành tự cao và chủ quan về sức khỏe thì không thể mang lại một mụn con nào”, vị bác sĩ cảnh báo.

Báo Thanh Niên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0989.706.360 Tư vấn Zalo